Nghiên cứu khoa học

GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÌ NGƯỜI NGHÈO Ở VIỆT NAM
Nhóm chuyên gia nghiên cứu:
- Đặng Đức Đạm: Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp IVES, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Phát triển kinh doanh BDI
- Nguyễn Đại Lai: Thành viên Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp IVES
- Đặng Đức Anh: Thành viên Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp IVES
Công trình nghiên cứu được thực hiện trong sự hợp tác của Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp IVES với Viện nghiên cứu Phát triển kinh doanh BDI và được tổ chức Hanns Seidel Foundation (CHLB Đức) tài trợ. Kết quả nghiên cứu đã được công bố thành sách chuyên khảo tiêu đề “Dịch vụ công và chuẩn nghèo đa chiều”
Tư tưởng cốt lõi của cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay (theo NĐ số 43) là lấy mức kinh phí huy động được ngoài ngân sách nhà nước làm căn cứ để giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ kinh phí huy động ngoài ngân sách (gọi là nguồn thu) càng cao thì quyền tự chủ càng lớn. Cơ chế đó là cần thiết và phù hợp cho giai đoạn quá độ từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường đối với các đơn vị cung ứng công lập, tương tự như “kế hoạch ba phần” đối với xí nghiệp quốc doanh đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Chuyển sang kinh tế thị trường, cơ chế đó bộc lộ rất nhiều bất cập. Một là, thực tế 8 năm thực hiện cho thấy, chế độ bao cấp theo dự toán ngân sách cho các đơn vị cung ứng công lập gây bất bình đẳng với các đơn vị ngoài công lập, vừa hạn chế tính tự chủ, lại tạo ra sự ỉ lại, trì trệ và kém hiệu quả của đơn vị công lập. Vì thế không thể tiếp tục chế độ bao cấp theo dự toán; lại càng không thể lấy đó làm căn cứ để xác định mức độ tự chủ của đơn vị cung ứng dịch vụ công. Hai là, trong kinh tế thị trường, tự chủ hoạt động là quyền đương nhiên của đơn vị cung ứng dịch vụ công (cũng giống như tự do kinh doanh là quyền đương nhiên của doanh nghiệp), không phải do nhà nước cho thì mới có (tương tự như trường hợp nhà nước đã “cầm nhầm” quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trước đây).
Yêu cầu tách sự nghiệp ra khỏi hành chính cần được nhìn nhận tương tự như việc tách sản xuất kinh doanh ra khỏi hành chính – sự nghiệp từ những năm bắt đầu đổi mới. Việc tách bạch này bây giờ mới bắt đầu; chủ trương đã được khẳng định rõ; nhưng việc thể chế hóa các chủ trương đó, và nhất là việc đưa các chủ trương đó vào thực tế thì còn hạn chế và làm chưa được bao nhiêu.

(TS. Đặng Đức Đạm báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo)
- Hình dung về tầm nhìn đổi mới quản lý cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
Chủ trương đổi mới quản lý cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bao gồm bốn nội dung chủ yếu gắn với nhau là: (1) Đổi mới quản lý nhà nýớc đối với dịch vụ công theo hướng tách bạch sự nghiệp của hành chính; (2) Đổi mới căn bản chế độ tài chính đối với dịch vụ công: (3) Xây dựng cơ chế trợ giúp đối tượng chính sách và người nghèo thụ hưởng dịch vụ công; và (4) Thiết lập chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức công lập cung ứng dịch vụ công.
Tại sao lại cần xây dựng tầm nhìn? Vì đây là một công việc rất tổng hợp và phức tạp, cần phải thống nhất với nhau về cái đích hướng tới. Bài học kinh nghiệm hơn 30 năm qua cho thấy, đổi mới theo kiểu lẻ mẻ, cháp vá, cải lương không mang lại kết quả mong muốn mà phải có một bước đột phá căn bản, thực sự, để khắc phục kiểu tư duy, cách làm theo “lối mòn”, và để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Xây dựng tầm nhìn là xác định mục tiêu cần đạt đến trong tương lai trước, rồi mới xác định các bước đi cần thiết để đạt tới mục tiêu đó. Xây dựng tầm nhìn là cốt làm rõ, cái đích mình muốn đến là gì; trong trường hợp này là cơ chế quản lý cung ứng dịch vụ sự nghiệp công mà chúng ta mong muốn xây dựng sẽ như thế nào; để rồi mới xác định được rõ những việc cần làm để có được cơ chế đó.
Xác định tầm nhìn đổi mới quản lý dịch vụ sự nghiệp công
Nay đã đến lúc phải tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi bộ máy hành chính để các đơn vị này có quyển tự chủ thực sự thì mới phát huy được tiềm năng của mình. Chúng ta đã cần đến 30 năm để cải tổ khu vực doanh nghiệp. Với những bài học kinh nghiệm thu được, hy vọng và tin chắc rằng khu vực sự nghiệp căn bản được đổi mới trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Vì thế có thể lấy mốc thời gian 2025 (hoặc 2030) để xác định tầm nhìn đổi mới.
1.1. Dịch vụ sự nghiệp công là hàng hóa đặc biệt
Dịch vụ sự nghiệp công là hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt. Dịch vụ sự nghiệp công không phải là hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt vì những lý do chủ yếu sau đây.
- Cũng như các dịch vụ công khác, dịch vụ sự nghiệp công có hai đặc tính không loại trừ và không đối kháng (như trình bày ở phần trên), nên và nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo làm sao các dịch vụ sự nghiệp công đáp ứng được nhu cầu của xã hội, không chỉ đảm bảo về mặt tài chính, mà nếu tư nhân không thể hoặc không muốn làm thì phải có các đơn vị công lập đảm nhiệm việc cung ứng.
- Dịch vụ sự nghiệp công là các dịch vụ trực tiếp phục vụ con người; đối tượng phục vụ trực tiếp của dịch vụ sự nghiệp công là con người bằng xương bằng thịt (là học sinh, người bệnh…), cho nên việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngoài việc tuân theo pháp luật, tuân theo quy luật thị trường, còn phải tuân theo các quy tắc ứng xử mang tính nhân văn về đạo đức nghề nghiệp, về y đức…
- Tình trạng bất đối xứng thông tin trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, như giữa thày và trò, giữa người bệnh và thày thuốc… đòi hỏi nhà nước phải có những can thiệp về thể chế nhằm bảo vệ người sử dụng dịch vụ.
1.2. Thiết kế lại vai trò, chức năng của nhà nước
- a) Vai trò nhà nước:
Đối với khu vực dịch vụ công nói chung và dịch vụ sự nghiệp công nói riêng, nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trên ba phương diện: thể chế chính sách, kinh phí và cung ứng.
Nhà nước tăng cường sự quan tâm đối với các lĩnh vực phát huy nhân tố con người, tiếp tục tăng vốn đầu tư và kinh phí từ ngân sách cho các hoạt động dịch vụ công cộng, tập trung cho một số mục tiêu ưu tiên, như xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao, hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, trợ giúp cho những người thuộc diện chính sách và người nghèo được hưởng dịch vụ công, trước hết là học tập, khám chữa bệnh.
Thông qua các chính sách, nhà nước đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản được cung ứng đáp ứng yêu cầu của xã hội, đảm bảo những nhóm người yếu thế trong xã hội cũng được thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu. Nhà nước dành lượng kinh phí thích đáng từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế.
Nhà nước tài trợ cho các dịch vụ đầu ra tùy theo mức độ cơ bản, thiết yếu của dịch vụ (dịch vụ càng cơ bản, thiết yếu, mức độ tài trợ càng cao) và điều kiện khó khăn của các vùng (càng khó khăn, mức độ tài trợ càng cao), và trợ giúp trực tiếp cho các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế.
Đối với những dịch vụ sự nghiệp công mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm thì nhà nước phải trực tiếp tổ chức cung ứng.Các đơn vị công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công hoạt động không vì lợi nhuận, phân biệt với quy chế hoạt động của một cơ quan nhà nước và cũng khác với quy chế hoạt động của một công ty kinh doanh.
- b) Chức năng của nhà nước:
Nhà nước tập trung làm tốt những chức năng sau đây đối với dịch vụ sự nghiệp công:
- Quản lý vĩ mô: Chức năng quản lý vĩ mô của nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công thể hiện rõ nhất ở việc làm thế nào để nhà nước đảm nhiệm tốt vai trò của mình mà tính đặc biệt của hàng hóa dịch vụ sự nghiệp công đòi hỏi (như trình bày trên đây); cụ thể là trách nhiệm đảm bảo dịch vụ sự nghiệp công được cung ứng đáp ứng nhu cầu của xã hội, trách nhiệm đảm bảo thực hiện các quy tắc ứng xử mang tính nhân văn và trách nhiệm bảo vệ người sử dụng dịch vụ trước các hệ quả bất đối xứng thông tin.
- Quản trị các đơn vị công lập:Các đơn vị công lập là do nhà nước xây dựng, thành lập bằng vốn thuộc sở hữu nhà nước, nên nhà nước nắm vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước, kể cả với những phần vốn nhà nước trong cả đơn vị hỗn hợp sở hữu đang xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình xã hội hóa. Chức năng đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công không nên giao cho cơ quan hành chính mà lập các công ty quản lý vốn nhà nước đảm nhiệm.
- Tài trợ những dịch vụ cơ bản, thiết yếu:Nhà nước không bao cấp theo yếu tố đầu vào cho các đơn vị công lập như hiện nay nữa, mà dành số kinh phí đó để tài trợ cho các dịch vụ đầu ra cơ bản, thiết yếu, và dành một phần cho việc hỗ trợ các đối tượng chính sách và người nghèo, người yếu thế.
Mức tài trợ của nhà nước cho các dịch vụđầu ra do nhà nước quy định tùy theo mức độ cơ bản, thiết yếu của dịch vụ (dịch vụ càng cơ bản, thiết yếu, mức độ tài trợ càng cao) vàđiều kiện khó khăn của các vùng (càng khó khăn, mức độ tài trợ càng cao), không phụ thuộc vào đơn vị cung ứng là công lập hay ngoài công lập.
- Hỗ trợ các đối tượng chính sách và người yếu thế:Thực hiện thống nhất một phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng, không hỗ trợ gián tiếp thông qua đơn vị sự nghiệp. Chế độ miễn giảm học phí được thay bằng chế độ học bổng chính sách để học sinh, sinh viên nộp cho trường mà họ theo học, không phân biệt trường đó là công lập, tư thục hay hỗn hợp sở hữu.
1.3. Đơn vị sự nghiệp hoạt động tương tự như doanh nghiêp
Đơn vị sự nghiệp không phải là doanh nghiệp, nhưng hoạt động tương tự như doanh nghiệp, theo các nguyên tắc quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Phân biệt chức năng bộ máy quản trị (Hội đồng quản lý) và bộ máy điều hành (Hiệu trưởng, Giám đốc…). Đối với các đơn vị công lập, sẽ có đại diện của cơ quan nhà nước trong hội đồng quản lý để thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại đơn vị. Ngoài sự khác biệt này, không có sự phân biệt nào khác trong hoạt động, quản lý các đơn vị công lập và ngoài công lập.
Tất cả các đơn vị sự nghiệp công đều có quyền tự chủ đầy đủ (không tùy thuộc vào số kinh phí họ nhận được từ nhà nước dưới những hình thức khác nhau), trong đó có quyền tự quyết định về giá dịch vụ cũng như về tiền lương của viên chức trong đơn vị.
Dịch vụ sự nghiệp công là hàng hóa đặc biệt, nên các đơn vị cung ứng các hàng hóa đặc biệt này phải tuân thủ nhiều điều kiện và quy chế riêng do pháp luật quy định và được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của xã hội, của người sử dụng dịch vụ và của nhà nước (về các mặt như chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ, tiền lương viên chức, đạo đức nghề nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền kinh doanh…) trước hết nhằm bảo vệ quyền và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
1.4. Người sử dụng dịch vụ là khách hàng thực sự
Trước đơn vị cung ứng, mọi người sử dụng dịch vụ đều là khách hàng bình đẳng, đều có mua có trả một cách sòng phẳng, không có sự phân biệt giữa người tự bỏ tiền túi ra trả với người được nhà nước trả thay.
Các thiết chế giám sát của nhà nước, của xã hội, của người sử dụng dịch vụ tạo điều kiện và đảm bảo cho người sử dụng dịch vụ thực hiện quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
- Giải pháp đổi mới quản lý dịch vụ sự nghiệp công
2.1. Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước cho dịch vụ sự nghiệp công
- a) Một số yêu cầu có tính nguyên tắc về chính sách tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công
– Đầu tư từ NSNN cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và y tế ngày một tăng, cả về tuyệt đối và tương đối (so với GDP). Đổi mới cơ bản phương thức đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật và đảm bảo thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, tăng cường phương thức đầu tư trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ. Đầu tư nhiều hơn nữa cho tuyến cơ sở và những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
– Xét tổng thể, không tăng thêm nhiều tỷ lệ phần đóng góp của dân trong quan hệ giữa đóng góp của dân với đầu tư của nhà nước. Công khai và minh bạch hoá những khoản đóng góp không chính thức hiện nay.
– Thực hiện công bằng xã hội: Áp dụng mức đóng góp tuỳ thuộc khả năng thanh toán của người sử dụng dịch vụ. Người có khả năng thanh toán đóng góp nhiều; người thuộc diện chính sách và người nghèo đóng góp ít hoặc được miễn đóng góp. Dành lượng kinh phí thích đáng trợ giúp người thuộc diện chính sách và người nghèo thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công.
– Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm công bằng xã hội, nhất là thực hiện các giải pháp trợ giúp thiết thực cho những người thuộc diện chính sách và người nghèo tiếp cận được các dịch vụ giáo dục, đào tạo và y tế.
- b) Cơ cấu lại chi tiêu ngân sách nhà nước cho dịch vụ sự nghiệp công
Cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước dịch vụ sự nghiệp công theo hướng: Nhà nước không bao cấp cho các đơn vị cung ứng công lập theo dự toán ngân sách như hiện nay nữa, mà chuyển số kinh phí đó sang tài trợ chocác dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu,và hỗ trợ trực tiếp người thụ hưởng là đối tượng chính sách và người yếu thế.
Mức tài trợ của nhà nước cho các dịch vụ đầu ra do nhà nước quy định tùy theo mức độ cơ bản, thiết yếu của dịch vụ (dịch vụ càng cơ bản, thiết yếu, mức độ tài trợ càng cao) và điều kiện khó khăn của các vùng (càng khó khăn, mức độ tài trợ càng cao), không phụ thuộc vào đơn vị cung ứng là công lập hay ngoài công lập.
Trên cơ sở các mức tài trợ cụ thể cho các nhóm dịch vụ công, nhà nước sẽ tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung ứng công khai và rộng rãi đối với các nhóm dịch vụ công được nhà nước tài trợ. Đơn vị được đặt hàng hoặc thắng thầu, dù là công lập hay ngoài công lập, sẽ nhận được khoản tài trợ tương ứng để tổ chức cung ứng dịch vụ.
Như vậy, không phải cứ là đơn vị công lập cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thì đương nhiên được tài trợ như hiện nay nữa, mà muốn nhận được tài trợ của nhà nước thì đơn vị cung ứng phải được đặt hàng hoặc thắng thầu đối với lô dịch vụ tương ứng với khoản tài trợ đó.
2.2. Xác định chi phí đơn vị cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu
Muốn giải quyết thỏa đáng vấn đề chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, cần xác định chi phí đơn vị (giá thành hợp lý) cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, ví dụ chi phí đào tạo đại học (tính cho một sinh viên trong một năm), chi phí khám chữa bệnh (tính theo các gói dịch vụ từng loại bệnh)….
Chi phí đơn vị (giá thành hợp lý) phải được xác định trên cơ sở hạch toán đầy đủ chi phí cần thiết (giá thành) của dịch vụ, bao gồm cả khấu hao tài sản cố định, tiền lương, tiền công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý.
Như vậy, giá dịch vụ (học phí, viện phí…) không đồng nghĩa với chi phí đơn vị (giá thành dịch vụ). Nguyên tắc cơ bản mà các nước đều áp dụng trong chính sách tài chính đối với dịch vụ công là chia sẻ chi phí, nghĩa là nhà nước, người sử dụng và cộng đồng chia nhau đóng góp tài trợ nhằm trang trải cho giá thành dịch vụ.
Nhà nước đóng góp chủ yếu dưới hai hình thức: (i) tài trợ cho các dịch vụ cơ bản, thiết yếu, và (2) hỗ trợ nhóm người yếu thế, đặc biệt là người nghèo. Người sử dụng dịch vụ đóng góp thông qua thanh toán giá dịch vụ (học phí, viện phí…). Ở các nước phát triển, phần đóng góp của cộng đồng khá lớn, lớn hơn nhiếu so với các nước đang phát triển như Việt Nam.
2.3. Xác định rõ mức tài trợ đối với từng nhóm dịch vụ sự nghiệp công
Nhà nước quy định mức tài trợ cụ thể đối với từng nhóm dịch vụ sự nghiệp công ở những vùng khác nhau; ví dụ: giáo dục THCS ở miền núi được tài trợ 70% giá thành, dạy nghề ở đồng bằng được tài trợ 20% giá thành…
Phần còn lại của giá thành dịch vụ (sau khi trừ phần tài trợ) sẽ do phí sử dụng dịch vụ gánh vác; ví dụ học phí trung học cơ sở ở đồng bằng sẽ bằng 50%, nhưng ở miền núi chỉ bằng 30% giá thành.
Mức phí sử dụng dịch vụ (học phí, viện phí…) cụ thể sẽ do đơn vị cung ứng tự xác định trên cơ sở các nguyên tắc và khung hướng dẫn do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quy định.
2.4. Đổi mới chế độ học phí, viện phí
Không phải học phí, viện phí là bổ sung cho kinh phí của nhà nước (như cách quan niệm lâu nay), mà về nguyên tắc, học phí, viện phí phải được xác định trên cơ sở hạch toán đầy đủ chi phí cần thiết (giá thành) của dịch vụ, bao gồm cả khấu hao tài sản cố định, tiền lương, tiền công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý… Đây là điều kiện cơ bản để các cơ sở dịch vụ công có thể thực hiện chế độ hạch toán.
Điều đó không có nghĩa là người sử dụng dịch vụ sự nghiệp công phải trả toàn bộ mức phí này, mà tùy theo từng loại hình dịch vụ mà có chính sách và cơ chế phù hợp; ví dụ trong y tế chủ yếu thông qua các loại hình bảo hiểm, trong giáo dục-đào tạo, nhà nước hỗ trợ một phần học phí tuỳ theo cấp học và điều kiện các vùng, đặc biệt là hỗ trợ các vùng khó khăn, những học sinh, sinh viên nghèo, đối tượng chính sách.
Khi đã tính đủ chi phí cần thiết vào giá thành dịch vụ như trên, nhà nước không bao cấp cho các trường học và bệnh viện theo đầu vào (theo biên chế giáo viên và số giường bệnh) như hiện nay, mà sẽ dùng kinh phí của ngân sách chuyển sang tài trợ các dịch vụ đầu ra (học sinh, sinh viên, gói dịch vụ y tế…) theo mức tỷ lệ thuận với độ cơ bản, thiết yếu của dịch vụ (giáo dục tiểu học, y tế dự phòng được tài trợ toàn bộ; cấp học càng cao, mức tài trợ càng thấp; dịch vụ y tế cao cấp không được tài trợ), và hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thụ hưởng ưu đãi.
Hướng đổi mới chính sách học phí, viện phí không phải chủ yếu là nâng cao mức đóng góp (bình quân) của người dân, mà là làm thế nào điều tiết được mức đóng góp theo hướng công bằng xã hội, người giàu đóng góp nhiều hơn và người nghèo đóng góp ít hơn.
2.5. Đổi mới cơ chế trợ giúp các đối tượng chính sách và người yếu thế
Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt, quyết định thành công của việc đổi mới quản lý dịch vụ sự nghiệp công nói chung và đổi mới chế độ học phí và viện phí nói riêng.
Song song với việc đổi mới chế độ giá và phí dịch vụ dịch vụ, cần triển khai mạnh và có hiệu quả các chương trình trợ giúp người thuộc diện chính sách và người yếu thế để họ có thể được hưởng dịch vụ sự nghiệp công một cách bình đẳng, đặc biệt là giáo dục, y tế. Để làm tốt việc này, cần thành lập các quỹ hỗ trợ, như Quỹ Trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo, Quỹ Bảo hiểm y tế cộng đồng… ở các địa phương, bằng vốn ngân sách, bằng đóng góp của dân và bằng đóng góp từ thiện. Các quỹ này cần giao cho chính quyền và mặt trận tổ quốc cấp xã giám sát để nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với những nhu cầu cơ bản nhất của người dân trong địa phương, đồng thời giúp cho việc hỗ trợ của nhà nước đến đúng và trực tiếp những đối tượng được hỗ trợ.
Thực hiện việc miễn, giảm học phí, viện phí thông qua các Quỹ Trợ giúp học phí, Quỹ Trợ giúp viện phí và BHYT ở các địa phương (chứ không do trường học, bệnh viện thực hiện).
Tín dụng đào tạo có thể vẫn do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, nhưng chuyển về cho các địa phương trực tiếp quản lý.
Miễn, giảm viện phí chủ yếu bằng cách Quỹ Trợ giúp viện phí thanh toán toàn bộ hoặc một phần phí BHYT cho người thụ hưởng.
Cần thay thế chế độ miễn, giảm học phí hiện nay bằng chế độ cấp học bổng chính sách (toàn phần hoặc bán phần) để người thụ hưởng có thể dùng học bổng đó nộp học phí cho trường mà họ theo học, bất kể là trường công lập hay tư thục. Học bổng không nhất thiết cấp bằng tiền mặt mà có thể chuyển khoản hoặc bằng ngân phiếu.
Phân biệt giữa học bổng thành tích học tập chủ yếu do các trường cấp và học bổng chính sách chủ yếu do nhà nước cấp
2.6. Áp dụng cơ chế quản lý thống nhất đối với các cơ sở công lập và ngoài công lập
Đơn vị cung ứng dịch vụ công không phải là doanh nghiệp, nhưng vẫn có thể và cần phải áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp vào quản lý đơn vị cung ứng dịch vụ công. Xét theo nguyên tắc quản trị doanh nghiệp thì sau khi chuyển bao cấp theo dự toán sang tài trợ cho dịch vụ đầu ra thì vai trò của nhà nước đối với đơn vị công lập và ngoài công lập chỉ còn khác nhau ở chức năng chủ sở hữu vốn. Nhà nước đầu tư thành lập đơn vị công lập nên nhà nước thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn đối với đơn vị công lập; ngoài chức năng chủ sở hữu vốn ra, quản lý nhà nước đối với đơn vị công lập và đơn vị ngoài công lập là giống nhau.
Nhà nước quản lý thống nhất đối với các cơ sở công lập và ngoài công lập; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đó cùng phát triển ổn định, lâu dài; bảo đảm lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của toàn xã hội; phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể và cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; gắn phân cấp nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tài chính, tổ chức nhân sự và bảo đảm các điều kiện vật chất khác.
Mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Theo cơ chế lợi nhuận thì lợi nhuận có thể được chia cho các cá nhân và phải chịu thuế. Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận.
Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư được bảo đảm lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần.
Nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động dịch vụ.
Phân biệt rõ cơ chế hoạt động của hai loại hình lợi nhuận và phi lợi nhuận, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước đến đâu trong từng lĩnh vực; lĩnh vực nào nên khuyến khích sự tham gia của xã hội. Phân biệt rõ các mô hình bán công, dân lập, tư thục.., làm cơ sở để đề xuất mới, bổ sung, sửa đổi các cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà nước cho phù hợp.
Nghiên cứu xây dựng và từng bước thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do nhà nước đặt hàng; khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia
Nghiên cứu chuyển việc cấp phần kinh phí nhà nước hỗ trợ cho người hưởng thụ thông qua các cơ sở công lập sang cấp trực tiếp cho người hưởng thụ phù hợp với từng lĩnh vực; từng bước tạo điều kiện để người hưởng thụ lựa chọn cơ sở dịch vụ không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
- Về đề án thí điểm thực hiện tự chủ đối với trường đại học
Cho đến tháng 6 năm 2015 đã có 9 trường đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 – 2017.
Điều dễ nhận thấy trong các đề án thí điểm là sự thiếu vắng ý tưởng và nội dung về phân chia gánh nặng chi phí giáo dục đại học (cost sharing) giữa nhà nước và người học; nhà nước không chia sẻ chi phí đào tạo với người học, mà chỉ làm chức năng hỗ trợ các đối tượng chính sách và người yếu thế.
Về học phí, các trường thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 77, cụ thể là:
“Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước;
Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.”
Mức trần học phí mà các trường đề xuất được tổng hợp lại trong Bảng dưới đây.
Mức thu học phí bình quân tối đa của các trường thí điểm
(áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy)
(Đơn vị: Triệu đồng/người/năm)
Trường thí điểm | 2014 – 2015 | 2015 – 2016 | 2016 – 2017 | |
1 | Trường đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh | 14,5 | 16 | 17,5 |
2 | Trường đại học Tôn Đức Thắng | 13 | 14,95 | 17,2 |
3 | Trường đại học Tài chính – Marketing | _ | 14,5 | 16,5 |
4 | Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh | 13 | 14,5 | 16,5 |
5 | Trường đại học Ngoại thương | 13 | 14,5 | 16 |
6 | Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh | 12,5 | 13,8 | 15,4 |
7 | Trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh | 11 | 13 | 15 |
8 | Trường đại học Hà Nội | 7,8 | 12 | 14 |
9 | Trường đại học Kinh tế Quốc dân | 9,5 | 11,5 | 13,5 |
Nếu so với mức trần học phí hiện hành (theo NĐ 49) thì mức trần học phí áp dụng cho các trường thí điểm cao gấp khoảng 1,5 – 2 lần đối với năm học 2014-2015. Sang các năm học tiếp theo 2015-2016 và 2016-2017, mức trần học phí này tăng thêm mỗi năm khoảng 2 triệu đồng nữa; và sẽ đạt mức kỷ lục là 17,5 triệu đồng/người/năm vào năm học 2016-2017 ở Trường đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, và mức thấp nhất áp dụng cho năm học 2016-2017 thuộc về Trường đại học Kinh tế Quốc dân với 13,5 triệu đồng/người/năm.
Nhìn danh sách 9 trường đại học đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, người ta dễ nhận ra rằng, các ngành học của các trường này cùng có chung những đặc điểm sau đây:
- Đang có nhu cầu rất lớn được theo học từ phía người học,
- Có mức chi phí đào tạo (chi phí đơn vị) ở nhóm thấp nhất, và
- Không thuộc nhóm ngành học thiết yếu cho xã hội đến mức mà nhà nước cần có chính sách ưu đãi phát triển.
Đối với những ngành học như vậy, nhu cầu chia sẻ chi phí đào tạo từ phía nhà nước có thể chưa thật cần thiết. Nhưng khi áp dụng cơ chế tự chủ cho những trường đại học mà các ngành học có chí phí đào tạo cao, có khi cao gấp mấy lần mức của các trường đang thí điểm (như y, dược, khoa học kỹ thật…) hay các ngành học thiết yếu cho xã hội nhưng ít người theo học (như nông, lâm nghiệp, nghệ thật tuồng, chèo…) thì sự chia sẻ chi phí đào tạo từ phía nhà nước là không thể tránh khỏi.
Chia sẻ chi phí đào tạo ở đây hàm ý nhà nước tài trợ trực tiếp một phần chi phí đào tạo cho những ngành học thiết yếu cho xã hội, để học phí thấp hơn chi phí đào tạo, khuyến khích nhiều người theo học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chia sẻ chi phí đào tạo ở đây có nội dung khác với việc nhà nước trợ giúp các đối tượng chính sách và người yếu thế.
Trên thế giới, ngoài một số ít nước phát triển nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí đào tạo, còn ở hầu hết các nước khác, nhà nước đều thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo đại học với người học, nhất là đối với những ngành học thiết yếu cần khuyến khích phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Muốn giải quyết vấn đề chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, cần xác định chi phí đơn vị (giá thành đào tạo) cho các ngành học/nhóm ngành học tính cho một sinh viên trong một năm học.
Chi phí đơn vị phải được xác định trên cơ sở hạch toán đầy đủ chi phí cần thiết (giá thành đầy đủ) của dịch vụ giáo dục đại học, bao gồm cả khấu hao tài sản cố định, tiền lương, tiền công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý…
Trên cơ sở đó, nhà nước quy định mức tài trợ của nhà nước đối với từng ngành học hoặc nhóm ngành học ở những vùng khác nhau của đất nước.
Phần còn lại của chi phí đơn vị sau khi trừ phần tài trợ của nhà nước là học phí (giá dịch vụ giáo dục đại học) do người học chi trả (đối với các đối tượng chính sách và người yếu thế thì được nhà nước chi trả thay toàn bộ hoặc một phần thông qua chính sách hỗ trợ).
Như vậy, học phí đại học (giá dịch vụ giáo dục đại học) không đồng nghĩa với chi phí đơn vị (giá thành dịch vụ đào tạo đại học). Phần chênh lệch chính là sự tài trợ của nhà nước, là sự chia sẻ của nhà nước (cost sharing) đối với chi phí đào tạo đại học.
Đối với tài chính đại học, ngân sách nhà nước đóng góp chủ yếu dưới hai hình thức: (i) Tài trợ cho những ngành học nhà nước cần khuyến khích và ở những vùng nhà nước cần khuyến khích theo tinh thần chia sẻ chi phí, và (2) hỗ trợ nhóm đối trượng chính sách và người yếu thế theo tinh thần chính sách xã hội.
Cần cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với giáo dục đại theo hướng: Nhà nước không bao cấp cho các trường công lập theo dự toán ngân sách như hiện nay nữa, mà chuyển số kinh phí đó sang tài trợ cho các dịch vụ đầu ra của giáo dục đại học tùy theo mức độ cơ bản, thiết yếu của ngành học (dịch vụ càng cơ bản, thiết yếu, mức độ tài trợ càng cao) và điều kiện khó khăn của các vùng (vùng càng khó khăn, mức độ tài trợ càng cao), không phân biệt là trường công lập hay ngoài công lập. Phần còn lại của giá thành dịch vụ (sau khi trừ phần tài trợ) sẽ do học phí trang trải. Mức học phí cụ thể sẽ do trường định trên cơ sở các nguyên tắc và khung hướng dẫn do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quy định.
Trên cơ sở các mức tài trợ cụ thể cho các ngành/nhóm ngành đào tạo, nhà nước sẽ tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung ứng công khai rộng rãi đối với các dịch vụ/nhóm dịch vụ giáo dục đại học được nhà nước tài trợ. Trường nào được đặt hàng hoặc thắng thầu, dù là công lập hay ngoài công lập, sẽ nhận được khoản tài trợ tương ứng để tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục đại học đó.