Chưa được phân loại

(+84) 243 203 6789

NHÀ NƯỚC CHIA SẺ CHI PHÍ GIÁO DỤC THEO NGÀNH HỌC VÀ VỚI NGƯỜI HỌC

NHÀ NƯỚC CHIA SẺ CHI PHÍ GIÁO DỤC THEO NGÀNH HỌC VÀ VỚI NGƯỜI HỌC

– TS. Đặng Đức Đạm  –

Theo Nghị định số 86[1], Nhà nước chia sẻ chi phí giáo dục theo 2 cách tiếp cận lồng vào nhau: Chia sẻ chi phí theo ngành học và chia sẻ chi phí theo người học. Về chia sẻ chi phí theo ngành học, Nghị định số 86 quy định những ngành/chuyên ngành học không phải đóng học phí và những ngành/chuyên ngành học được miễn, giảm học phí. Việc chia sẻ chi phí theo người học được thực hiện thông qua các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay ưu đãi dành… cho người học thuộc diện chính sách và người yếu thế. Tuy nhiên, trong chế độ học phí hiện hành việc chia sẻ chi phí của Nhà nước đều thông qua các cơ sở giáo dục công lập; điều này gây bất bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập.

  1. Chia sẻ chi phí theo ngành học

Chia sẻ chi phí theo ngành học ở đây hàm ý Nhà nước tài trợ trực tiếp một phần chi phí đào tạo cho những ngành học thiết yếu cho xã hội, để học phí thấp hơn chi phí giáo dục, khuyến khích nhiều người theo học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Trên thế giới, ngoài một số ít nước phát triển nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí giáo dục, còn ở hầu hết các nước khác, nhà nước đều thực hiện chính sách chia sẻ chi phí giáo dục, nhất là đối với những ngành học thiết yếu cần khuyến khích phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Muốn giải quyết vấn đề chia sẻ chi phí giáo dục của Nhà nước, cần xác định chi phí đơn vị giáo dục (giá thành dịch vụ giáo dục) cho các ngành học/nhóm ngành học tính cho một sinh viên/học sinh trong một năm học. Chi phí đơn vị phải được xác định trên cơ sở hạch toán đầy đủ chi phí cần thiết (giá thành đầy đủ) của dịch vụ giáo dục, bao gồm cả tiền lương, tiền công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, khấu hao tài sản cố định, chi phí quản lý… Trên cơ sở đó, Nhà nước quy định mức tài trợ của nhà nước đối với từng ngành học hoặc nhóm ngành học ở những vùng khác nhau của đất nước. Phần còn lại của chi phí đơn vị giáo dục sau khi trừ phần tài trợ của Nhà nước là học phí (giá dịch vụ giáo dục) do người học chi trả (đối với các đối tượng chính sách và người yếu thế thì được Nhà nước chi trả thay toàn bộ hoặc một phần thông qua chính sách hỗ trợ). Trên cơ sở các mức tài trợ cụ thể cho các ngành/nhóm ngành đào tạo, nhà nước sẽ tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung ứng công khai rộng rãi đối với các dịch vụ/nhóm dịch vụ đào tạo được nhà nước tài trợ. Trường nào được đặt hàng hoặc thắng thầu, dù là công lập hay ngoài công lập, sẽ nhận được khoản tài trợ tương ứng để tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục đó.

  1. Chia sẻ chi phí với người học

Sau khi được tính đủ, giá dịch vụ giáo dục nói chung vẫn thấp hơn chi phí đơn vị (giá thành dịch vụ giáo dục). Phần chênh lệch chính là sự tài trợ của Nhà nước, là sự chia sẻ của Nhà nước đối với chi phí giáo dục. Như vậy, ngân sách nhà nước đóng góp chủ yếu dưới hai hình thức: (i) Tài trợ cho những ngành học và ở những vùng Nhà nước cần khuyến khích, và (2) Hỗ trợ nhóm đối trượng chính sách và người yếu thế theo tinh thần chính sách xã hội.

Về hỗ trợ nhóm đối trượng chính sách và người yếu thế, cần thực hiện thống nhất phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng, không hỗ trợ gián tiếp thông qua các cơ sở giáo dục. Chế độ miễn giảm học phí nên thay bằng chế độ học bổng chính sách để học sinh, sinh viên nộp cho trường mà họ theo học, không phân biệt trường đó là công lập, tư thục hay hỗn hợp sở hữu. Cần phân biệt hai loại học bổng: Học bổng chính sách do Nhà nước cấp, còn học bổng khuyến học, khuyến tài (theo chất lượng học tập) do nhà trường cấp. Học bổng không nhất thiết cấp bằng tiền mặt mà có thể chuyển khoản hoặc bằng ngân phiếu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phạm Phụ (2016): Đầu tư và “chia sẻ chi phí” trong Giáo dục Đại học

Phạm Hùng Hiệp, Trần Ngọc Anh (2014): Chia sẻ chi phí – rào cản hay tiền đề cho phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam

[1] Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 quy định về cơ chế thu và quản lý họa phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan