Chưa được phân loại

(+84) 243 203 6789

TÀI CHÍNH CHO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Ở VIỆT NAM

TÀI CHÍNH CHO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Ở VIỆT NAM

– Phó Viện Trưởng: Nguyễn Thị Minh Hạnh –

Nguồn lực tài chính cho dạy nghề bao gồm nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn tài chính ngoài NSNN. Nguồn NSNN gồm 3 nội dung: nguồn kinh phí thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn tài chính ngoài NSNN gồm: Học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, tư vấn chuyển giao công nghệ, vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

1. Nguồn lực tài chính từ NSNN cho dạy nghề

Hiện nay, nguồn lực tài chính từ NSNN chiếm khoảng 60% tổng nguồn lực tài chính cho dạy nghề. Năm 2013, kinh phí NSNN dành cho dạy nghề bằng 0,46% GDP, chiếm 1,6% tổng chi NSNN và bằng 8,15% NSNN chi cho giáo dục và dạy nghề nói chung.

 

Ngân sách nhà nước mặc dù còn hạn hẹp song vẫn giữ vai trò chính trong việc cấp kinh phí cho giáo dục và dạy nghề, đồng nghĩa với việc nhà nước chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phát triển đất nước.

2. Nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho dạy nghề
a) Học phí

Nguồn thu từ học phí hiện ngay chiếm khoảng 18% tổng nguồn lực tài chính cho dạy nghề. Tuy mức học phí học nghề còn thấp, nhưng nguồn thu từ học phí vẫn tăng đều đặn qua các  năm, nhất là trong giai đoạn 2007-2013, từ 467 tỷ  năm 2007 lên khoảng 1.478 tỷ năm 2013, tăng gần 3,2 lần. Nguồn thu học phí tăng hàng năm và phần lớn được sử dụng để bù đắp các hoạt động đào tạo, một phần tích lũy để tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đã góp phần tích cực trong việc tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề.

 

So với chi thường xuyên cho dạy nghề, tỷ trọng học phí thu được năm 2013 bằng khoảng 33%, trong khi năm 2007 chỉ khoảng 21%. Đây cũng là sự thay đổi tích cực của cơ chế học phí mới được ban hành từ năm 2010.

b) Nguồn viện trợ phát triển ODA

Nguồn vay và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 8% trong tổng nguồn tài chính cho đào tạo nghề. Nguồn tài chính ODA đầu tư cho các dự án dạy nghề còn rất nhỏ; qua khảo sát chưa đầy đủ vốn ODA đầu tư cho đào tạo nghề trọng điểm năm 2010 là 31.891 triệu đồng, năm 2011: 36.897 triệu đồng, năm 2012: 38.535 triệu đồng.

Trong khi đó các cơ chế, chính sách tài chính đối với nguồn kinh phí này còn nhiều bất cập. Nguồn vốn vay trong và ngoài nước cho đào tạo nghề còn hạn chế về số lượng và chất lượng; thủ tục giải ngân còn phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan. Vì vậy, vốn giải ngân thường là chậm, kéo dài thời gian dự án và thường không giải ngân hết được số vốn vay theo Hiệp định đã ký, dẫn đến vốn đối ứng cũng không được bố trí đủ, không đạt được hiệu quả từ nguồn vốn này. Thực chất hiện nay chúng ta chưa có cơ chế huy động, sử dụng nguồn đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho dạy nghề, nên khi có cơ hội được tài trợ, cho, tặng thì một số cơ sở dạy nghề không dám tiếp nhận. Mặt khác, người tự nguyện muốn đóng góp cho dạy nghề thì chưa có được thông tin đầy đủ, trình tự, thủ tục chưa rõ, chưa thực sự thuận lợi.

3. Một số nhận xét về tài chính cho dạy nghề

Mặc dù nguồn lực do NSNN cấp cho dạy nghề có tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển dạy nghề của nước ta thì vẫn còn nhiều hạn chế cả về quy mô và cơ cấu.

– Chưa có sự ăn khớp giữa chỉ tiêu dạy nghề và chỉ tiêu ngân sách, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhanh hơn 2,5 lần tốc độ tăng chi NSNN cho dạy nghề, trong khi cơ chế học phí chưa được thay đổi một cách căn bản nên chưa tạo động lực khuyến khích các CSDN mở rộng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.

– Chi NSNN chủ yếu là chi thường xuyên (khoảng 60%) nhưng chỉ đủ chi lương và đóng bảo hiểm. Chi thường xuyên trong thực tế thường cao hơn dự toán chi, vì các CSDN thường đề xuất bổ sung tiền mua vật tư thực tập và tiền bù cho phần học phí được miễn giảm.

– Năm 2010 thực hiện chính sách học phí mới với mức thu học phí tăng nên nguồn thu học phí học nghề đã tăng mạnh trong giai đoạn 2007-2013; đây là nguồn thu đáng kể cho tài chính dạy nghề./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tổng cục dạy nghề 2012: Tài chính cho đào tạo nghề ở Việt Nam.

Tạp chí Tài chính số 3-2014: Đổi mới cơ chế quản lý tài chính dạy nghề.

Trương Anh Dũng 2015: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính thúc đẩy phát triển dạy nghề ở Việt Nam đến 2020.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan